Thứ Bảy 25/01/2025 – THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI - Lễ kính

Suy niệm Lời Chúa

Thứ Bảy 25/01/2025 – THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI - Lễ kính

Ngày đăng: 25/01/2025

Lời Chúa: Mc 16, 15-18

Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: ”Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.

Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.

SUY NIỆM

Trong khi thánh Phêrô được xác định là “đá tảng cho Hội thánh” (Mt 16,18), thì Phaolô được gọi là “thầy dạy của dân ngoại về đức tin và chân lý” (1Tm 2,7). Chính Phaolô đã tự thuật về ơn gọi của mình. Ơn gọi ấy bắt đầu từ một biến cố trên đường ông đi Đamas. Câu chuyện này được tường thuật tới 3 lần, trong sách Công vụ (9,3-7; 22,3-16 và 26,13-15).

Đối với Phaolô, con đường Damas là con đường thiên mệnh, con đường của ý trời. Con đường ấy đã thay đổi con người và cuộc đời của Phaolô 180o. Cú ngã ngựa trên đường Đamas, biến Saolô thành chứng nhân vĩ đại là Phaolô, một người ngoài nhóm 12 tông đồ, để trao cho sứ mệnh làm “tông đồ dân ngoại”, biệt danh này không ai có, ngoại trừ Phaolô.

Trong ánh sáng huy hoàng, Chúa Kitô phục sinh đã ngỏ lời và đối thoại với Saolô. Thần Khí của Đấng phục sinh đã tác động và thay đổi hoàn toàn con người của ông. Ánh sáng ấy làm cho Saolô mù mắt, diễn tả sự mù quáng của ông trước việc bắt bớ các người Kitô hữu.

Chúa Kitô phục sinh muốn nhờ Giáo hội, qua phép Rửa, giải thoát Saolô khỏi sự “u mê lầm lạc”, vô tri. Phaolô đã được thấy lại nhờ ánh sáng của Chúa qua phép Rửa, bấy giờ mới nhận biết Đức Kitô và khám phá ra Thiên Chúa, chính là Cha của Đức Giêsu Kitô. Phaolô ngã xuống đất và suốt ba ngày không nhìn thấy, không ăn, không uống, giống như người “chết rồi mới sống lại với Chúa”. Saolô được thông phần cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, được Chúa Cha mặc khải cho biết mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Từ đó trở nên “chứng nhân” được sai đi loan báo Tin mừng phục sinh cho các dân ngoại.

Ra khỏi chính mình, từ bỏ chính mình để trở thành khí cụ trong tay Chúa: đó là đặc điểm của sự trở lại trong Kitô giáo chúng ta. Sự trở lại đó không chỉ là sự quay về với Chúa của những người không tín ngưỡng, của những người từ chối Giáo hội khác, nhưng là đòi hỏi từng ngày của người Kitô hữu. Mỗi lúc một đến gần với cùng đích của chúng ta là chính Chúa: đó là lý tưởng của người Kitô hữu chúng ta. Càng đến gần với Chúa càng sẵn sàng trở nên khí cụ của Chúa, chúng ta càng đến gần với tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, cùng với sự chuyển cầu của thánh Phaolô tông đồ, mà chúng con tưởng niệm biến cố trở lại hôm nay, xin giúp chúng con luôn hiểu được sự trở lại đích thực mà người Kitô hữu chúng con theo đuổi mỗi ngày. Amen.

Đăng ký gia nhập

Hiệp Hội Kinh Mân Côi

Lịch Phụng vụ

Mạng xã hội