Suy niệm Lời Chúa
Thứ hai 20/01/2025– Thứ Hai tuần 2 thường niên
LỜI CHÚA: Mc 2, 18-22
Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?"
Chúa Giêsu nói với họ: "Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay.
Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".
SUY NIỆM
Người Do Thái rất coi trọng việc ăn chay (x. Mt 6,1-8). Mục đích của ăn chay là chuẩn bị gặp Chúa (x. Xh 34,28) hoặc gặp Đấng Mêsia sắp đến.
Vào đầu thế kỷ I, người ta nghĩ rằng Đấng Mêsia sắp đến, cho nên họ càng ăn chay nhiệm nhặt hơn, nhất là nhóm biệt phái và nhóm môn đệ Gioan Tẩy Giả.
Phần Chúa Giêsu thì Người tự biết chính mình là Đấng Mêsia - Đấng đến để khai mở một kỷ nguyên vui mừng. Người so sánh thời gian Người đang sống ở trần gian là một tiệc cưới, và bản thân Người là chàng rể. Bởi đó, Người ăn uống tự nhiên bình thường và để cho các môn đệ Người cũng ăn uống như vậy.
Vì thế, khi bị người ta tra vấn: “Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?”, Chúa Giêsu đã trả lời: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không?”. Người lại cho biết trước rằng, tình hình sẽ thay đổi khi Người chịu nạn và chịu chết. Khi đó các môn đệ Người sẽ ăn chay để chuẩn bị đón ngày Người quang lâm (x. Cv 13,1-3).
Như vậy, vấn đề quan trọng không phải là ăn chay hay không ăn chay, mà là nhận thức ý nghĩa của việc ăn chay. Sống trong giai đoạn nào thì phải theo tinh thần của giai đoạn đó. Nói cách cụ thể hơn, giai đoạn đang sống với Chúa Giêsu là thời kỳ mới cho nên phải sống theo tinh thần mới, tức là tinh thần vui mừng: “rượu mới phải để trong bầu da mới”.
Cuộc đời của người Kitô hữu tuy có những giai đoạn ăn chay sám hối, nhưng chủ yếu là vui mừng như đang dự tiệc cưới và được ở gần chàng rể. Thực vậy, được biết Chúa là một niềm vui, được theo Ngài là một niềm vui, được làm việc Ngài giao là một niềm vui. Ngay cả được vác thập giá Ngài trao cũng là một niềm vui, và khi ăn năn sám hối cũng vẫn vui vì biết mình sẽ được tha thứ.
“Un saint triste est un triste saint” (một vị thánh buồn là một vị thánh “đáng chán”). Ta hãy nhớ lại hạnh các thánh: các ngài không tuyệt vọng, không cằn nhằn, không đòi vứt bỏ thánh giá Chúa trao...; trong lòng các ngài luôn có một niềm vui mà không ai, không gì và không hoàn cảnh nào dập tắt được...
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn nhớ rằng, làm việc hy sinh hãm mình luôn cần được phát xuất từ tấm lòng hơn là hình thức bên ngoài. Xin cũng giúp chúng con khi làm bất cứ việc gì, luôn ý thức là làm vì lòng yêu mến Chúa. Amen.
Đăng ký gia nhập
Hiệp Hội Kinh Mân Côi